Anh: Lạm phát tăng lên mức hai con số lần đầu tiên trong hơn 40 năm
Theo số liệu vừa được Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố, tỷ lệ lạm phát của Vương quốc Anh trong tháng Bảy đã tăng lên mức 10,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 9,4% trong tháng Sáu, mức cao nhất kể từ tháng 2/1982 và vượt mức dự báo của các nhà kinh tế là 9,8%.
Giá lương thực trong tháng Bảy đã tăng 12,7%, mức tăng cao nhất của danh mục hàng hóa này trong hơn 20 năm. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát cơ bản, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, cũng vượt kỳ vọng khi tăng 6,2%, trong khi các nhà kinh tế dự báo chỉ tăng 5,8%.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
Nga dự báo giá khí đốt xuất khẩu sẽ tăng hơn gấp đôi
Bộ Kinh tế Nga dự báo trong năm nay giá khí đốt xuất khẩu trung bình của nước này sẽ tăng hơn gấp đôi lên 730 USD/1.000 m3 trước khi giảm dần cho đến cuối năm 2025, do khối lượng xuất khẩu giảm.
Nguồn cung khí đốt từ Nga cho châu Âu, đang giảm trong năm nay sau khi một tuyến đường ống ngừng hoạt động, khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào tháng Hai. Nguồn cung cho một số nước châu Âu cũng bị cắt do họ từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Bên cạnh đó, tranh cãi liên quan đến việc sửa chữa tuabin cho đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 cũng ảnh hưởng đến nguồn cung.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
Nguồn thu tài khóa của Trung Quốc giảm 9,2% trong bảy tháng qua
Nguồn thu tài khóa Trung Quốc giảm 9,2% trong 7 tháng của năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Tài chính nước này, trong giai đoạn trên, nguồn thu tài khóa đạt gần 12.500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.840 tỷ USD). Nếu không tính các khoản hoàn trả tín dụng thuế giá trị gia tăng, nguồn thu tài khóa Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính phủ trung ương thu về khoảng 5.740 tỷ nhân dân tệ trong nguồn thu tài khóa, giảm 11,2% trong khi các chính quyền trung ương thu khoảng 6.750 tỷ nhân dân tệ, giảm 7,6%.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
Đồng tiền các nước Trung và Đông Âu chịu sức ép khi kinh tế giảm tốc
Các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại đang gây sức ép lên các đồng tiền và thị trường chứng khoán của các nước Trung và Đông Âu trong phiên 17/8, trong lúc giá cổ phiếu tại các thị trường mới nổi (EM) vẫn ở gần các mức cao nhất trong bảy tuần, khi các nhà đầu tư chờ biên bản cuộc họp tháng Bảy của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đồng forint của Hungary giảm phiên thứ ba liên tiếp, với mức giảm 0,9% so với đồng euro, trong khi đồng zloty của Ba Lan giảm 0,7%, trên đà khép lại phiên này với mức giảm mạnh nhất trong ba tuần.
Đồng leu của Romania tiếp tục giảm sau khi phiên trước ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 3 năm rưỡi.
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus
Chứng khoán ngày 17/8: Cổ phiếu Bluechips giữ đà tăng cho VN-Index
Phiên giao dịch 17/8 tiếp tục ghi nhận thị trường diễn biến ảm đạm khi biến động ở các nhóm ngành không đáng kể, thay vào đó có phần giằng co, lực cung-cầu tham gia trong phiên khá cân bằng.
Đáng chú ý, cổ phiếu FLC và HAI đã “nằm sàn” trước thông tin cảnh báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh về khả năng sẽ đình chỉ giao dịch đối với hai cổ phiếu này.
Kết phiên, VN-Index tăng 0,59 điểm lên 1.275,28 điểm; toàn sàn có 189 mã tăng, 247 mã giảm và 82 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,43 điểm xuống 302,59 điểm; toàn sàn có 83 mã tăng, 121 mã giảm và 47 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm lên 93,07 điểm; toàn sàn có 138 mã tăng, 138 mã giảm và 75 mã đứng giá.
Về khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 20.641 tỷ đồng; trong đó, riêng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE tương ứng hơn 17.674 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 47,47 tỷ trên sàn HoSE, nổi bật mua HDB, PVD, DXG, MSN…
Xem tin đầy đủ tại: VNPlus