Các thành viên ban đầu của BRICS – gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – chia sẻ chung một quan điểm về thế giới đa cực, nơi những quốc gia đang phát triển có được tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề mang tính toàn cầu.
Thế giới đa cực, theo quan điểm của các quốc gia này là thế giới mà quyền lực được phân bổ rộng khắp, không chỉ tập trung vào những nước phát triển. Không quốc gia nào hoặc tổ chức quốc tế nào có quyền chi phối các thành viên còn lại.
Các quốc gia BRICS tin rằng trật tự thế giới hiện tại đang được dẫn đầu bới Mỹ, tạo ra lợi thế không công bằng của các nước phương Tây.
Ý tưởng về một thế giới đa cực đã nhận được nhiều sự chú ý trong những năm gần đây, giúp thu hút thêm 6 quốc gia thành viên mới bao gồm: Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.
Sứ mệnh của BRICS chính là thách thức sự thống trị trong trật tự thế giới của Mỹ bấy lâu nay, hệ thống mà họ cho rằng quá thiên vị cho các cường quốc phương Tây. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn thúc đẩy một trật tự thế giới mới nơi không chỉ xoay quanh các quốc gia mạnh, mà còn đề cao vai trò và tầm ảnh hưởng của mọi quốc gia trên quy mô toàn cầu.
Sự trỗi dậy của BRICS và thế giới đa cực được các nhà đầu tư xem như là mối đe dọa đến sự thống trị của đồng USD.Tuy nhiên, ý kiến này vẫn còn những quan điểm trái chiều cần được cân nhắc.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá tầm ảnh hưởng, tuy rất lớn nhưng bị “ngó lơ” bởi nhà đầu tư, của 6 thành viên mới của BRICS. Đồng thời, chúng ta sẽ đánh giá tác động của nó đến đồng USD, vàng và cán cân quyền lực toàn cầu.
BRICS: Một Tầm Nhìn Xa Về Thế Giới Đa Cực
Sau cuộc họp cấp cao của BRICS tại Nam Phi vào ngày 22 tháng 08, các phương tiện truyền thông bùng nổ với những bình luận liên quan. Nhiều người đánh giá thấp việc gia nhập của 6 quốc gia mới vào BRICS là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi, và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các quốc gia này sẽ là thành viên chính thức từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.
Hiện tại, BRICS có 5 thành viên. Con số này sẽ là 11 trong năm tới. Và trong tương lai, số thành viên của BRICS có thể lên đến 20 quốc gia. Lúc đó, quy mô và ảnh hưởng của họ sẽ rất khác biệt.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người đã bỏ qua là tất cả các quốc gia BRICS – bao gồm cả sáu quốc gia mới gia nhập – đều có tác động thương mại quan trọng đối với tới 84 quốc gia trong vùng và có tổng GDP lên đến 83,5 nghìn tỷ USD.
Hãy khám phá tầm ảnh hưởng của các quốc gia này ngay sau đây.
Argentina
Argentina là thành viên sáng lập của Mercosur, một khối thương mại lớn ở Nam Mỹ. Khối này bao gồm Brazil, Paraguay, Uruguay, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru và Suriname. Venezuela từng là thành viên cho tới năm 2017, trước khi bị loại khỏi do khủng hoảng chính trị và kinh tế.
Mercosur có tổng dân số là 284 triệu người với GDP (theo PPP) là 5.195 nghìn tỷ USD. Đây là khối thương mại tự do lớn thứ 3 trên thế giới, sau Liên Minh Châu Âu (EU) và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Ai Cập
Ai Cập là quốc gia lớn thứ 2 trong Hiệp định Thương mại Tự do Ả Rập Mở Rộng (GAFTA), sau Ả Rập Saudi. GAFTA là một khối thương mại bao gồm 17 quốc gia Ả Rập ở Trung Đông và Bắc Phi.
Các thành viên khác của GAFTA bao gồm Algeria, Bahrain, Iraq, Jordan, Kuwait, Lebanon, Libya, Morocco, Oman, Palestine, Qatar, Sudan, Syria, Tunisia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Yemen.
GAFTA có tổng dân số khoảng 440 triệu người và GDP (theo PPP) khoảng 7,9 nghìn tỷ USD. Điều này khiến nó trở thành khối thương mại tự do lớn nhất trong các quốc gia Ả Rập.
Ethiopia
Ethiopia là quốc gia đông dân thứ hai trên lục địa châu Phi, với hơn 110 triệu người. Đây cũng là nền kinh tế lớn thứ sáu châu Phi, với GDP (theo PPP) khoảng 91 tỷ USD.
Ethiopia là thành viên của Thị Trường Chung Đông Phi và Nam Phi (COMESA), một khối thương mại gồm 21 quốc gia châu Phi. COMESA nhằm thúc đẩy thương mại và hợp tác kinh tế giữa các thành viên.
Ethiopia cũng là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA), một hiệp định thương mại tự do giữa 54 quốc gia châu Phi. AfCFTA nhằm tạo ra một thị trường đơn nhất cho hàng hóa và dịch vụ trên lục địa châu Phi.
Iran
Iran là một cường quốc khu vực với dân số 85 triệu người và GDP (theo PPP) khoảng 1.692 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, quốc gia này phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề từ phía phương Tây, giới hạn sự phát triển trong lĩnh vực thương mại và kinh tế.
Bất chấp các biện pháp trừng phạt, Iran đã nỗ lực để cải thiện quan hệ thương mại với các quốc gia khác. Họ sở hữu Hiệp định Thương mại Tự do (Free Trade Agreement) với Liên minh Kinh tế Đại Á (Eurasian Economic Union) và là một thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Iran cũng đóng vai trò quan trọng trong Con đường Vận tải Quốc tế Bắc-Nam (INSTC), một tuyến đường thương mại kết nối Iran với Nga, Ấn Độ và châu Âu.
INSTC dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2024. Đây là tuyến đường rẻ hơn và nhanh hơn so với tuyến đường qua kênh đào Suez, điều này có thể biến Iran thành một trung tâm quan trọng cho thương mại giữa châu Âu và châu Á.
Ngoài ra, Iran đang cải thiện các mối quan hệ khu vực, đặc biệt là với Ả Rập Xê-út. Điều này là một phát triển tích cực, vì nó có thể giúp giảm bớt căng thẳng trong khu vực.
Ả Rập Saudi và UAE
Ả Rập Saudi và UAE là hai trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới, với tổng GDP (theo PPP) trên 3 nghìn tỷ USD. Họ cũng là những thành viên quan trọng của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), một liên minh thương mại của sáu quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh Ba Tư.
GCC có dân số hơn 56 triệu người và là một lực lượng kinh tế và chính trị quan trọng tại Trung Đông. Có khả năng rằng họ sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu trong những năm tới.
Các nước GCC có các thỏa thuận thương mại CEPA với Ấn Độ, Israel và Singapore và đã nỗ lực để đa dạng hóa nền kinh tế của họ khỏi dầu khí. Họ đang đầu tư vào du lịch, sản xuất và các lĩnh vực khác. Họ cũng đang đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia khác như Úc, Chile, Trung Quốc và Vương quốc Anh.
GCC có vị trí chiến lược cho thương mại và đầu tư, nằm ở ngã ba giữa châu Âu, châu Á và châu Phi. Ngoài ra, đây còn là nơi có nhiều cảng biển và sân bay quan trọng.
GDP Của BRICS Vượt Mặt G7
5 quốc gia sáng lập BRICS có tổng GDP gộp đã vượt qua các quốc gia trong khối G7 (gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh và Mỹ). Khi 6 quốc gia mới chính thức gia nhập vào năm sau, khoảng cách GDP của BRICS và G7 sẽ ngày càng chênh lệch.
Khối BRICS mở rộng sẽ có tổng GDP gộp khoảng 65 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 37% kinh tế thế giới. Trong khi G7 đang chiếm khoảng 29.9% kinh tế thế giới.
Sự gia nhập của các thành viên mới vào BRICS sẽ đa dạng hóa mạnh mẽ hơn nền kinh tế của khối này và giúp các quốc gia thành viên có thêm tiếng nói trên trường quốc tế. Những quốc gia này đều là những nền kinh tế trọng yếu, mang lại kinh nghiệm và kiến thức cho khối BRICS.
Sự mở rộng của BRICS là một giấu hiệu tăng trưởng sức mạnh kinh tế của các nước đang phát triển. Nó cũng là một thử thách cho sự thống trí thường thấy của các nước G7. BRICS được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn lực chính của kinh tế toàn cầu, sự bành trướng của họ sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển trên toàn thế giới.
Tương Lai Của Đồng USD Và Vàng Khi BRICS Chiếm Lĩnh Nền Kinh Tế Thế Giới
Suốt 2 thế hệ nhà đầu tư, địa chính trị không phải là một yếu tố quan trọng trong thế giới đơn cực. Hành động của các Ngân hàng trung ương sẽ quan trọng hơn là các quyết định của những nhà lãnh đạo quốc gia. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của BRICS, yếu tố địa chính trị sẽ trở nên cực kỳ quan trọng.
Các quốc gia BRICS đã và đang nỗ lực đẻ phát triển hệ thống tài chính riêng của họ, sử dụng đồng tiền riêng nhiều hơn trong các giao dịch quốc tế. Điều này có thể dẫn đến sự giảm sút của đồng USD, đồng thời làm tăng nhu cầu về vàng vì đây được xem là tài sài sản dự trữ an toàn.
Đọc thêm bài viết của chúng tôi về Kim loại Vàng: Giá Vàng Tăng Cao Nhất Mọi Thời Đại – Một “Thời Kỳ Vàng” Có Đang Bắt Đầu?
Yếu tố quan trọng trong sự bành trướng của BRICS là tiềm năng thương mại và phát triển mà khối này sẽ mang lại. Với một khối thương mại có tới 11 thành viên, mức độ phủ rộng ảnh hưởng về mặt địa lý của BRICS đến 84 quốc gia trong khu vực sẽ được nâng cao nhờ vào các chính sách tự do thương mại đi kèm.
Nếu khối BRICS tiếp tục mở rộng, thì cán cân quyền lực hiện tại có thể bị đảo lộn, thế giới sẽ bước thêm một bước gần hơn đến việc đạt được thế giới đa cực, công bằng.
Cuối cùng, nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường trong năm tới cần cảnh giác và chú ý hơn vào các vấn đề địa chính trị. Hiểu rõ về những yếu tố chính trị có tác động đến thị trường sẽ là yếu tố thiết yếu để nhà đầu tư điều chỉnh danh mục sao cho phù hợp nhất.